fbpx

Châu về Hợp Phố

​​Việc hồi hương của ấn vàng Hoàng đế chi bảo vốn được đề cử để bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022 của Việt Nam xét ở nhiều khía cạnh được xem là “Châu về Hợp Phố”.

Việc đàm phán để mua và hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo được đề cử để bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022 của Việt Nam. Xét ở nhiều khía cạnh, nhất là lịch sử và văn hóa, việc hồi hương này được xem là “Châu về Hợp Phố”. Việc đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa là một nội dung quan trọng mà UNESCO luôn hướng đến. Thành ngữ “Châu về Hợp Phố” là cách chỉ những thứ quý giá bị mất, sau đó được quay trở về với chủ cũ, hoặc nơi chốn mà nó sinh ra.

Ở một ngữ nghĩa khác, Hợp Phố còn được xem là nơi có nhiều ngọc trai tự nhiên giá trị rất cao. Truyện Kiều đề cập tới tích này, ở một văn cảnh khác: “Thoa này bắt được hư không/ Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về”.

Những người am hiểu thị trường đồ cổ thế giới nói rằng việc hồi hương được ấn vàng Hoàng đế chi bảo là một may mắn, một cơ duyên đặc biệt. Chứ thực tế cho thấy mấy khi mà châu về được Hợp Phố. Cho nên thành ngữ “Châu về Hợp Phố” còn có nhiều ẩn ý sâu xa của cha ông để lại, thậm chí gióng các hồi chuông với hậu thế phải cảnh giác trong việc gìn giữ những điều quý giá, quan trọng.

Thành ngữ cổ xưa này được cho là ra đời từ thời An Dương Vương, sau khi để mất nỏ thần, cũng chấm dứt luôn gần 50 năm nhà nước u Lạc, từ khoảng 257 TCN đến 208 TCN. Trong truyền thuyết, nỏ thần là một bảo vật quốc gia, nhưng mất là mất luôn, châu đâu về được Hợp Phố. Mà chuyện này không chỉ xảy ra với u Lạc, mà còn với vô số nhà nước khác trên thế giới. Cụm từ “trả lại bảo vật” có hàng trăm triệu kết quả tìm kiếm trên Google tiếng Việt là một dẫn chứng về khát khao “Châu về Hợp Phố”.

Nhìn rộng ra địa lý và cổ sử, trước khi nhà Tần bành trướng Trung Quốc, Hợp Phố là vùng đất của Bách Việt. Năm thứ 33 (214 TCN) thời Tần Thủy Hoàng, quân đội nhà Tần xâm chiếm Lĩnh Nam (đất Việt Nam xưa), lập ra Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận. Hợp Phố thuộc về Tượng Quận. Đến năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (111 TCN) thời Hán Vũ Đế, quân đội Tây Hán lại xâm chiếm Nam Việt (cũng là đất Việt Nam xưa), lấy vùng giáp giới Nam Hải, Tượng Quận tái lập quận Hợp Phố. Cho nên, khi tổ tiên nỗ lực lưu truyền thành ngữ “Châu về Hợp Phố” bằng nhiều câu chuyện và văn cảnh khác nhau – trong đó có chuyện nỏ thần – cũng là một cách gửi gắm ẩn ý sâu xa về gốc tích, về những thứ quý giá từng thuộc về mình.

Có thể khẳng định ấn vàng Hoàng đế chi bảo đúc năm 1823 thời hoàng đế Minh Mạng là một bảo vật của nhà Nguyễn, của Việt Nam. Việc nhà nước và tư nhân cùng nỗ lực để “Châu về Hợp Phố” với bảo vật này đã cho thấy một nhận thức mới trong việc ứng xử với văn hóa, với di sản của cha ông.

Điều này cho thấy một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế với sự đánh giá khá cao UNESCO và nhiều cơ quan văn hóa độc lập khác. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục “Châu về Hợp Phố” nhiều cổ vật, hiện vật và bảo vật khác, bởi ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm Pháp thuộc đã làm cho vô số châu ngọc phải rời xa Hợp Phố mà chưa thể quay về.

Sign up for our Newsletters

Stay up to date with our latest series

Stay in touch with the latest in luxury

PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
CÔNG TY CỔ PHẦN INDOCHINE MEDIA VENTURES VIỆT NAM
GCNĐT số: 411032000105

Địa chỉ liên hệ: Tầng 7, Số 7, Đường D2, Khu phức hợp sông Sài Gòn, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Email: [email protected]
20150827110756-dathongbao-e1459136219441