fbpx

Chuyên gia Sotheby’s Hongkong: “Đã đến lúc giải phóng nghệ thuật Việt Nam khỏi những rào cản địa lý…”

Chia sẻ của hai chuyên gia Sotheby’s Hongkong với Robb Report Vietnam về những xu hướng mới trên thị trường nghệ thuật Đông Nam Á.

Chân dung Madam Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ (Ảnh: Sotheby’s)

Thế giới nghệ thuật đang phải đối mặt với những áp lực thời đại dịch. Xin bà chia sẻ đôi nét về thị trường nghệ thuật hiện nay?

Michelle Yaw: Ngành nghệ thuật có khả năng chống chịu tốt trước những khó khăn và thách thức. Trong khi một số thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch thì thị trường nghệ thuật vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Dù chúng ta không thể du lịch thường xuyên để tham quan các hội chợ hay triển lãm nghệ thuật, nhưng hoạt động trên thị trường nghệ thuật vẫn khá sôi động – điều này đặc biệt đúng ở châu Á, nơi nhu cầu sở hữu các tác phẩm chất lượng đang tăng cao. Việc mọi người ở nhà nhiều hơn và suy ngẫm về hành trình sưu tập của mình cũng tạo xung lực cho thị trường nghệ thuật.

Sotheby’s áp dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm kỹ thuật số cho khách hàng. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, các công cụ trực tuyến của Sotheby’s giúp khách hàng tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật, khám phá thế giới của NFT và tiền điện tử, hợp tác với những người có ảnh hưởng… Sotheby’s đang mang đến nhiều cơ hội và định dạng để góp phần thay đổi đáng kể thị trường nghệ thuật trong tương lai.

Rishika Assomull: Đúng thế. Auction of the Future mà Sotheby’s tổ chức vào tháng 6 năm ngoái là phiên đấu giá trực tiếp toàn cầu đầu tiên trong lịch sử. Dù là phiên đấu giá trực tuyến, nhưng mọi người đắm chìm trong trải nghiệm mới, bất chấp sự vắng mặt vật lý. Thậm chí qua màn hình, người xem vẫn có thể dễ dàng cảm nhận được bầu không khí căng thẳng, hồi hộp và gay cấn.

Đấu giá trực tuyến chắc chắn sẽ tiếp tục là mảng hoạt động chính của Sotheby’s. Năm ngoái, doanh số bán hàng trực tuyến của Sotheby’s châu Á đã tăng trưởng với mức kinh ngạc 440% so với năm trước! Cá nhân tôi đã thấy nhiều nhà sưu tập thay đổi thái độ của họ về việc mua tác phẩm nghệ thuật trực tuyến – họ dễ tiếp thu và tập trung hơn bao giờ hết. Với tư cách là một chuyên gia, tôi thấy rằng những nền tảng này mang đến không gian cho sự sáng tạo, giúp chúng tôi chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình theo những cách mới mẻ và sáng tạo, quản lý các phiên đấu giá trực tuyến theo chủ đề phi truyền thống hơn và dễ dàng cộng tác với các bên thứ ba trên mạng xã hội.

Có thể nói, bất kể lĩnh vực nào – kỹ thuật số hay vật lý – chúng tôi cũng đều không ngừng khám phá những cách thức mới để phục vụ khách hàng và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của họ trong một thế giới không đoán định.

Là chuyên gia về nghệ thuật Đông Nam Á, xin bà chia sẻ về tình hình thị trường ở khu vực này?

Michelle Yaw: Điều tôi yêu thích ở Nghệ thuật Đông Nam Á là sự đa dạng của các hình thức biểu đạt. Những ý tưởng về Chủ nghĩa Siêu thực, Chủ nghĩa Lập thể, Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng hoặc Chủ nghĩa Ấn tượng đã được tái diễn giải dựa trên truyền thống địa phương. Khu vực này cũng là chiếc nôi của nhiều nghệ sĩ đương đại với các tác phẩm được giới thiệu tại nhiều bảo tàng danh tiếng.

Đông Nam Á có thể là một thị trường tương đối mới hoặc mới nổi trên bản đồ nghệ thuật thế giới. Tuy nhiên, thị trường nghệ thuật khu vực này chưa bao giờ bị ràng buộc về phạm vi địa lý của nó. Ví dụ, các nhà sưu tập Hà Lan luôn ủng hộ nghệ sĩ Indonesia, doanh nhân Trung Quốc mua lại tác phẩm của các nghệ sĩ Hoa kiều di cư sang Singapore hoặc Philippines, trong khi các phòng tranh của Pháp và Mỹ đã bán các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam khắp châu Âu.

Điều khác biệt ở khu vực này là thị trường thương mại phát triển song song với sự củng cố của các nền kinh tế Đông Nam Á. Kể từ khi Sotheby’s tổ chức cuộc đấu giá Nghệ thuật Đông Nam Á đầu tiên tại Singapore vào năm 1996 và chuyển sang Hồng Kông vào năm 2008, thị trường người mua tranh Đông Nam Á đã nhanh chóng trở nên đa dạng hóa, thúc đẩy sự cạnh tranh đấu giá qua từng năm.

Rishika Assomull: Tương lai của hội họa Đông Nam Á chính là sự giải phóng các tác phẩm nghệ thuật khỏi bản sắc địa lý của chúng và nâng tầm chúng trên cấp độ toàn cầu.

Nhu cầu của các nhà đầu tư đối với nghệ thuật Đông Nam Á hiện ra sao, thưa bà?

Michelle Yaw: Trong vài năm gần đây, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng về số lượng người mua tác phẩm nghệ thuật Đông Nam Á, đặc biệt là từ Trung Hoa Đại lục. Thói quen sưu tập đã thay đổi với xu hướng săn lùng các tác phẩm mới, phản ánh đúng thị hiếu thẩm mỹ của họ.

Năm qua, mối quan tâm này tăng lên rõ rệt khi lượng khách hàng bên ngoài khu vực đang tích cực tham gia đấu giá đối với một số tác phẩm hàng đầu Đông Nam Á. Tương tự như vậy, các nhà sưu tập nghệ thuật Đông Nam Á đã trở nên sáng suốt hơn với việc mua bán tác phẩm và thường có cách tiếp cận theo hai hướng, nơi họ đang tìm cách củng cố các bộ sưu tập nghệ thuật Đông Nam Á của mình bằng cách mua các tác phẩm quý hiếm, chất lượng cao, đồng thời phát triển các bộ sưu tập nghệ thuật quốc tế.

Rishika Assomull: Thị trường đang trở nên toàn cầu hóa hơn với tốc độ cực kỳ nhanh. Tôi nghĩ rằng năm 2021 sẽ đánh dấu một bước ngoặt khi Sotheby’s nắm bắt xu hướng quan trọng này để mang nhiều tác phẩm nghệ thuật Đông Nam Á đến với các cuộc đấu giá uy tín.

Tôi rất vui khi nhìn thấy nghệ thuật Đông Nam Á đang bứt phá ra khỏi giới hạn địa lý của mình, đồng thời tin tưởng rằng, sự tương tác ở tầm quốc tế là một bước tiến mới, giúp củng cố hơn nữa vị thế của thị trường nghệ thuật Đông Nam Á.

Teaser video của Wong Kar Wai cho sự kiện hợp tác cùng Sotheby’s Hồng Kông vào tháng 10 năm nay. (Ảnh: Jettone Films)

Mức doanh thu từ nghệ thuật châu Á tại Sotheby’s năm qua ra sao?

Rishika Assomull: Năm ngoái, doanh thu từ Nghệ thuật Đương đại của Sotheby’s Hồng Kông đạt 218 triệu USD, dẫn đầu thị trường với biên độ rộng trong năm thứ 6 liên tiếp. Tổng doanh thu từ nghệ thuật đương đại châu Á tại Sotheby’s trong nửa đầu năm nay đạt mức đáng kinh ngạc: 168 triệu USD, mức cao nhất trong nửa năm tại Sotheby’s Hồng Kông. Phiên đấu giá Beyond Legends Evening Sale của chúng tôi đã chứng kiến mức giá ngất ngưởng 12,9 triệu USD cho 5 tác phẩm của các bậc thầy nghệ thuật châu Á và phương Tây. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng tại phiên đấu giá các tác phẩm theo trường phái Ấn tượng và Nghệ thuật đương đại phương Tây ở Sotheby’s Hồng Kông, có tới 84% tổng số người tham gia đấu giá đến từ châu Á – điều cho thấy nhu cầu rất cao của các nhà sưu tập châu Á. Theo quan sát của chúng tôi, các nhà sưu tập châu Á đang mở rộng thị trường ra ngoài phạm vi khu vực và tham gia tích cực vào các cuộc đấu giá của Sotheby’s ở New York, London hoặc Paris.

Theo bà, có nên đầu tư vào nghệ thuật trong bối cảnh đại dịch như hiện nay?

Michelle Yaw: Nghệ thuật được coi là một loại tài sản thay thế với những đặc quyền về giá trị nắm giữ, đồng thời mang lại những cảm xúc vô hình khi sở hữu một thứ gì đó duy mỹ. Thị trường không phải lúc nào cũng ổn định, và thị hiếu đối với nghệ thuật cũng sẽ thay đổi theo các yếu tố khách quan.

Tôi tin rằng tính hiếm có và tầm quan trọng là hai yếu tố cốt lõi làm nên giá trị của những tài sản này. Bạn có thể đầu tư thời gian và tiền bạc cho nghệ thuật nếu đó là thứ bạn thực sự yêu thích. Sưu tập không chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính, cốt lõi của nó là khơi dậy niềm đam mê, tạo ra di sản, phát triển sở thích và học hỏi không ngừng!

Rishika Assomull: Đây là thời điểm lý tưởng để suy nghĩ về hành trình sưu tầm nghệ thuật của bạn. Trong những ngày này, chúng ta có nhiều thời gian hơn để thưởng thức bộ sưu tập nghệ thuật theo một cách hoàn toàn mới và suy nghĩ về hành trình sưu tập của mình. Tôi cho rằng, trong bối cảnh bí bách của đại dịch, nghệ thuật chính là động lực thúc đẩy con người – truyền cho họ niềm hy vọng, niềm vui, kết nối họ với thế giới bên ngoài, giúp họ vững tin vào những gì tốt đẹp phía trước.

Trong những năm gần đây, tranh của các họa sĩ Việt đang được các nhà sưu tập ưa chuộng với mức giá bán khá cao. Tuy nhiên, mức giá tranh Việt Nam thậm chí còn thấp hơn so với một số nước ở châu Á. Vì sao?

Michelle Yaw: “Spotlight” có lẽ là một từ thích hợp khi nói về hiện tượng nghệ thuật Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tôi nghĩ đây là thời điểm thực sự quan trọng đối với nghệ thuật Việt Nam, khi cả thế giới đang dần công nhận giá trị và tiềm năng của nó trên một tầm cao mới.

Chúng tôi nhận thấy nhu cầu này đang đạt đến tầm cao mới qua chương trình Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s. Có rất nhiều kỷ lục bị phá vỡ vào buổi tối hôm đó, nhưng đối với tôi, “cuộc chiến” nhiệt thành giữa những người đấu giá qua điện thoại cho bức Portrait of Mademoiselle Phuong của Mai Trung Thứ với mức 3,1 triệu USD đã cho thấy sức nóng của nghệ thuật Việt. Nhóm chúng tôi còn nhân đôi kỷ lục trước đó về tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất của Việt Nam được bán đấu giá. Sau đó, chúng tôi tiếp tục phá kỷ lục tác phẩm của nữ họa sĩ Lê Thị Lựu và bậc thầy sơn mài Phạm Hầu trong cùng một đêm!

Đáng nói là, trong một cuộc đấu giá với sự tham gia của 23 quốc gia, 5 tác phẩm đã được bán với doanh thu trên 12,9 triệu USD, bao gồm các tác phẩm của bậc thầy phương Tây Pablo Picasso, các họa sĩ tên tuổi Trung Quốc Sanyu, Zao Wou-Ki, Chu Teh-Chun, và tác phẩm nghệ thuật Việt Nam. Có thể nói, sự phát triển kinh tế gần đây của Việt Nam cho phép nhiều người tham gia thị trường. Ít có quốc gia nào trên thế giới có thể so sánh với Việt Nam về tốc độ và chiều sâu phát triển kinh tế.

Dự báo của bà về triển vọng của nghệ thuật Việt Nam trong thời gian tới?

Michelle Yaw: Nghệ thuật Việt Nam đang trên đà trở thành một thị trường thực sự sôi động. Tôi nghĩ rằng trong những năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến một lượng lớn các nhà sưu tập quốc tế hướng tới nghệ thuật Việt Nam và các nhà sưu tập Việt Nam tìm cách đa dạng hóa bộ sưu tập của mình bằng cách bổ sung tác phẩm của các nghệ sĩ quốc tế phù hợp với sở thích sưu tập của họ. Cùng với xu hướng sưu tập khác, sưu tập nghệ thuật ở Việt Nam cũng sẽ trở nên cá tính hơn.

Tại Sotheby’s, chúng tôi hy vọng sẽ kích hoạt nền tảng cũng như khách hàng của mình, đồng thời cung cấp thông tin cho mọi người theo những cách mới mẻ. Ví dụ, tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã hợp tác với nhà thiết kế Lâm Gia Khang của Gia Studios để chuyển tải thông điệp về mối quan hệ giữa thời trang đương đại và tình yêu của anh dành cho nghệ thuật Việt. Tháng 10 này, Sotheby’s bắt tay với nhà làm phim nổi tiếng Wong Kar Wai – người giúp tuyển chọn các tác phẩm Hiện đại, trong đó có nghệ thuật Việt Nam. Những dự án như vậy sẽ giúp ích cho các nhà sưu tập trẻ – những khách hàng đầy quyền lực trên thị trường nghệ thuật châu Á.

Rishika Assomull: Đã đến lúc giải phóng nghệ thuật Việt Nam khỏi những rào cản địa lý, và điều này mang đến cho chúng tôi cơ hội vẽ nên một cuộc đối thoại quốc tế thú vị, kết hợp các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam với tác phẩm của các nghệ sĩ châu Á và châu Âu. Chúng tôi sẽ mang các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam có chất lượng cao nhất tới Hong Kong Modern Art Evening Sale, thay vì các phiên đấu giá Nghệ thuật Đông Nam Á độc lập nhằm thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà sưu tập nghệ thuật Đông Nam Á.

Sign up for our Newsletters

Stay up to date with our latest series

Stay in touch with the latest in luxury

PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
CÔNG TY CỔ PHẦN INDOCHINE MEDIA VENTURES VIỆT NAM
GCNĐT số: 411032000105

Địa chỉ liên hệ: Tầng 7, Số 7, Đường D2, Khu phức hợp sông Sài Gòn, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Email: [email protected]
20150827110756-dathongbao-e1459136219441