fbpx

Có một nước Ý như thế

Cách đây chừng trên dưới bốn trăm năm, lần đầu tiên quanh những lũy tre ở các ngôi làng cũ kỹ của người Việt đã lác đác xuất hiện vài giống người lạ. Nổi trội ở đám người đó là những gã đàn ông mắt xanh da trắng mũi lõ tóc vàng râu hoe hoe dài. Bọn họ đến từ những nước phương Tây xa xôi, cuồn cuộn găm sâu trong mình những nét văn hóa văn minh khác lạ. Đó có thể là những nhà truyền giáo, những nhà buôn liều lĩnh hoặc đơn thuần chỉ là một tay chơi ưa phiêu lưu. Người Việt Nam biết đến nước Ý Đại Lợi (một cách phiên âm tên nước Italia của các nhà Nho Việt thời ấy) từ những bỡ ngỡ đó.
Người Ý đầu tiên vào đất Việt có lẽ là linh mục học giả Cristophoro Borri, đã hồn nhiên chân thành nhận xét “Người Đàng Trong dịu dàng và lịch thiệp hơn tất cả các sắc dân phương Đông nào khác. Người ngoại quốc tới đây không cần biết một chữ gì, chỉ cần chữ “đói”, nghĩa là tôi đói thì tất cả cư dân bản địa động lòng sẽ cho họ ăn. Đến nỗi trong một thời gian rất ngắn họ đã thủ được nhiều thức ăn dự trữ bởi người Đàng Trong tử tế và hòa nhã”. (Xứ Đàng Trong năm 1621- NXB Tổng Hợp, trang 51- 53).
Tất nhiên cùng với thời gian, quá nhiều người Việt đương đại đã thân thuộc với nước Ý qua những thương hiệu thời trang khét tiếng, qua những kiểu dáng lừng danh của xe Vespa. Hoặc sang trọng hơn, qua những mầu sắc độc đáo của các chai Vang già tuổi. Còn từ thủa tràn đầy ngơ ngác của buổi manh nha sơ giao, người Việt sâu sắc biết tới Ý Đại Lợi hầu như là qua một tôn giáo, đạo Ki Tô, còn được gọi không hẳn đúng là Thiên Chúa giáo. Thực ra, Công giáo (Catholic), chỉ là một trong bốn nhánh của Ki Tô giáo được mang vào Việt Nam từ người Hà Lan, người Bồ, đặc biệt có sự đóng góp nâng cao từ những giáo sĩ tiên khởi người Pháp. Có điều, hình như theo ý Chúa, mọi ám ảnh của giáo dân Việt đều mơ hồ hướng về Rô Ma, nơi có nhà thờ Thánh cả Phê Rô, chỗ ở của các vị đã đang và sẽ là Đức Thánh Cha (Giáo hoàng). Kể cả tới ngày hôm nay, sự khát khao của mọi tín đồ Cơ Đốc Việt, vẫn là một lần được viếng thăm Vatican, cho dù thói tục hành hương về bàn thờ tổ chưa bao giờ là quy ước bắt buộc.
Có thể nói, nước Ý hiện diện ở Việt Nam thuần thành chỉ là những biểu tượng mang tinh thần nhân văn cao cả. Thôi thì không kể đến lồng lộng tôn giáo hay nhỏ nhoi thói đam mê xem Calcio (giải vô địch bóng đá Ý) ở những người trẻ. Đất nước hình cái ủng luôn làm những trái tim Việt rưng rưng bởi âm nhạc hội họa và văn học. Còn gì thiết tha bằng những giai điệu tuyệt vời từ concerto “Bốn mùa” của Vivaldi hay những luyến tiếc rạo rực “Trở về Sorrento” của anh em De Curtis mà bất cứ người Việt yêu nhạc nào cũng có thể thầm thì hát theo. Người ta dễ dàng thấy trong nội thất của giới trung lưu ở Hà Nội, Sài Gòn…là phiên bản họa phẩm “La Gioconda” của Leonardo Da Vinci hay những điêu khắc loằng ngoằng dài của Giacometti. Và trên tủ sách của mọi người Việt yêu đọc thì hầu như không thể thiếu Umberto Eco hay Curzio Malaparte.
Ngay từ buổi đầu “gió Âu mưa Á”, (cuối thể kỷ 19 sang 20), thì một giấc mơ thánh thiện luôn cháy bỏng trong đầu những tiền bối trí thức Việt yêu nước. Đó là làm sao thế hệ trẻ phải sâu sắp hấp thụ bằng được những tinh hoa văn hóa Đông-Tây, để từ đấy dựng xây một quốc gia hùng cường. Nước Ý đã góp một phần không nhỏ để giấc mơ tuyệt vời đấy thành hiện thực.

Sign up for our Newsletters

Stay up to date with our latest series

Stay in touch with the latest in luxury

PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
CÔNG TY CỔ PHẦN INDOCHINE MEDIA VENTURES VIỆT NAM
GCNĐT số: 411032000105

Địa chỉ liên hệ: Tầng 7, Số 7, Đường D2, Khu phức hợp sông Sài Gòn, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Email: [email protected]
20150827110756-dathongbao-e1459136219441