fbpx

Doanh nhân Nguyễn Trọng Thuận: "Tôi muốn sưu tầm và mang những món đồ cổ của cha ông về lại Việt Nam…"

Đó là chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Trọng Thuận, một trong những nhà sưu tập đồng hồ và cổ vật kín tiếng tại Hà Nội. Bên cạnh bộ sưu tập những mẫu đồng hồ đỉnh cao mà mọi quý ông đều yêu thích, anh còn cho thấy niềm đam mê đối với các món cổ vật Việt, đặc biệt là những bức tranh của các họa sĩ thời Đông Dương…
Với một nhà sưu tầm tự nhận là “thích đủ thứ” như anh, hẳn nhiên không thể thiếu bộ sưu tập xe hơi và đồng hồ phải không, thưa anh?
Tôi không sưu tập ô-tô, bởi vì cổ vật, đồ gỗ, tranh và đồng hồ là quá đủ cho tôi rồi. Trước kia tôi không quan tâm đến đồng hồ đâu, song qua nhiều dịp tham gia các cuộc đấu giá của nhà Sotheby’s và Christie’s nhằm săn lùng cổ vật, tôi có dịp chiêm ngưỡng các mẫu đồng hồ đẳng cấp quý hiếm và đem lòng say mê những cỗ máy thời gian từ đó, bởi vẻ đẹp tinh xảo của đồng hồ cũng khá tương đồng với xu hướng nghệ thuật thủ công mà tôi yêu thích.
Anh có thể chia sẻ về thương hiệu cũng như phiên bản đồng hồ mà anh yêu thích và chuyên sưu tầm?
Hai thương hiệu cao cấp mà tôi sưu tầm nhiều là Patek Philippe và Rolex, ưu ái nhất vẫn là Patek. Tuy nhiên, tôi cũng rất thích những thương hiệu niche như Speake-Marin hay H. Moser & Cie bởi chúng sở hữu những nét đặc trưng thú vị. Tôi từng “tậu” được chiếc Speake-Marin Dragon Time độc bản với mặt số bằng vàng 18k chạm khắc hình rồng châu Á, do nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng Kees Engelbarts chế tác, chỉ có duy nhất một chiếc trên toàn thế giới. Ngoài ra, tôi cũng may mắn khi sở hữu cặp đồng hồ khá hiếm: Patek Philippe 5975 Limited Edition 175th Anniversary vàng hồng và Patek Philippe 5575G Limited Edition 175th Anniversary vàng trắng, là phiên bản giới hạn kỷ niệm 175 năm ngày thành lập hãng.
Bộ sưu tập đồng hồ đỉnh cao của anh bao gồm bao nhiêu chiếc cho đến thời điểm này?
Khoảng từ 10-15 chiếc, vì tôi hay trao đổi. Là nhà kinh doanh, với tôi, mỗi chiếc đồng hồ cao cấp giống như một phần tài sản nhỏ, không dễ quyết định mua ngay như khi bạn sắm áo quần, mà mình phải suy xét tính toán, ngoài vẻ đẹp và tính năng còn phải cân đo về giá trị thời gian, giá trị sưu tầm, giá trị thương mại, để dù có “chơi” chán đem bán đi hoặc trao đổi vẫn không bị thua lỗ. Tôi không quá sành điệu và lắm tiền đến mức chỉ sắm để trưng mà không hề nghĩ đến việc bán hay trao đổi, nâng đời. Mỗi chiếc đồng hồ tôi sưu tập đều ẩn chứa bên trong một câu chuyện thú vị. Tôi yêu các thiết kế thủ công với đường nét điêu khắc, chạm trổ, men gốm… thế nên như chiếc Patek Philippe World Time dù giá đắt gấp ba những chiếc World Time khác mà tôi vẫn mua vì thích mặt số hình mặt trăng và bầu trời sao lấp lánh…
Mẫu đồng hồ mà anh thường xuyên sử dụng là…?
Richard Mille RM 016. Đây lại là một câu chuyện thú vị. Trước đây, tôi không thích thương hiệu này vì giá quá cao mà chức năng chẳng có gì đặc biệt, trong khi tên tuổi thì không thể ngang tầm với các “ông lớn” khác. Nhưng sau này xu hướng thay đổi, có lẽ gout của tôi cũng dần đổi thay. Một ngày nọ tình cờ đeo thử chiếc RM 016, tôi thấy rất thoải mái nhẹ nhàng, cảm giác mới mẻ, tiện lợi, lại phù hợp với mọi trang phục mọi nơi chốn, thế là tôi mua và đeo hàng ngày đến bây giờ mấy năm rồi vẫn chưa đổi.
Được biết đồng hồ chỉ là một trong rất nhiều thú chơi sưu tập của anh, vậy đam mê lớn nhất của anh là gì?
Cổ vật và đồng hồ chỉ xếp vị trí thứ hai – ba, còn hội họa mới là môn nghệ thuật khiến tôi say đắm, nhất là các tác phẩm để đời của bốn danh họa thuộc nhóm “Tứ kiệt” trong nền hội họa Việt Nam là Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm. Tôi đặc biệt yêu tranh lụa của cụ Thứ với đường nét mềm mại mà sắc sảo, và may mắn sở hữu hai tác phẩm Hoa Lan, Chị Em của cụ, bên cạnh bức Thúy Kiều – Kim Trọng của cụ Đàm, bức Hoa Mao Lương của cụ Phổ… Đối với tôi, hội họa là môn nghệ thuật đỉnh cao, hội tụ tinh hoa nghệ thuật của nhân loại. Rất kén chọn người chơi, nhưng chính hội họa là lĩnh vực đem đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Bạn có thể tìm thấy hàng ngàn đại gia, thiếu gia lắm tiền nhiều của dễ dàng chi cả trăm ngàn USD để tậu một chiếc siêu xe lái ra đường khoe khắp thiên hạ, nhưng không phải ai cũng chấp nhận bỏ ra số tiền tương tự chỉ để mua một bức tranh nhỏ xíu về treo trang trọng kín đáo trong nhà, lại phải dành một không gian riêng để treo tranh, đánh đèn, dành nhiều thời gian chiêm ngưỡng, tìm hiểu, thẩm thấu nghệ thuật và bàn luận say mê…
Xin cảm ơn và chúc anh có thêm nhiều tác phẩm quý hiếm để bổ sung cho bộ sưu tập của mình!


Đôi nét về doanh nhân Nguyễn Trọng Thuận

Những mẫu đồng hồ trong bộ sưu tập của Nguyễn Trọng Thuận thuộc các thương hiệu như Patek Philippe, Rolex, Bell & Ross, Audemars Piguet, Speake-Marin, Richard Mille, Vacheron Constantin…
Ngoài sưu tầm tranh và đồng hồ, Nguyễn Trọng Thuận còn tham dự nhiều cuộc đấu giá quốc tế ở Paris, Hồng Kông… và săn lùng thành công những món cổ vật thời nhà Nguyễn đã lưu lạc ra nước ngoài, như Hộp ngọc của vua Bảo Đại, kim bài Khâm mệnh Hoàng triều cương thổ mà Bảo Đại tặng cho anh rể là bá tước Pierre Jules François Didelot, bức hoành phi Đại khánh Tứ tuần mừng thọ 40 năm của vua Khải Định, bộ bàn ghế của Khải Định, kim khánh, các bức tranh thêu trong cung, những bản sắc phong….
Anh Thuận từng đấu giá thành công tại Pháp chiếc áo bào quý của Đức Từ Cung thái hậu, làm bằng đoạn vàng chính sắc, thêu hình phụng hoàng, là hiện vật quý hiếm, có giá trị đối với nền văn hóa, lịch sử nước nhà. Anh chia sẻ: “Tôi muốn sưu tầm và mang những món đồ cổ của cha ông về lại Việt Nam. Ngoài niềm hãnh diện khi sở hữu những cổ vật quý hiếm và có giá trị lịch sử, với tôi, điều này còn rất có ý nghĩa về tinh thần dân tộc”.

Sign up for our Newsletters

Stay up to date with our latest series

Stay in touch with the latest in luxury

PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
CÔNG TY CỔ PHẦN INDOCHINE MEDIA VENTURES VIỆT NAM
GCNĐT số: 411032000105

Địa chỉ liên hệ: Tầng 7, Số 7, Đường D2, Khu phức hợp sông Sài Gòn, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Email: [email protected]
20150827110756-dathongbao-e1459136219441