fbpx

Nhà báo Văn Bảy: Thế nào là tranh luận sạch?

Nhân việc chùm thơ được giải B của một tác giả vấp phải làn sóng phản đối gần đây, ta nhận ra nhiều người đã không giữ được môi trường tranh luận sạch, nghĩa là thiếu vắng sự lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau.

Để có được một cuộc tranh luận sạch, các bên ít nhất phải đáp ứng được vài điều căn bản, mà đầu tiên là cân bằng giữa nói và nghe, nói mà không nghe thành ra hàm hồ, chụp mũ. Kế đến, phải tạm đồng thuận với nhau một số tiêu chí và cơ sở tri thức để tranh luận, nếu không, sẽ thành tranh cãi, khó đi đến sự rõ ràng, đúng sai. Nghĩa là tranh luận và tranh cãi mới nhìn thì tưởng giống nhau, nhưng thật ra rất khác nhau. Mà trên mạng ngày nay, đa số thị phi là kết quả của tranh cãi, rất thiếu vắng tranh luận sạch.

Một trong những nhà tranh luận vĩ đại của loài người thời cổ đại là Sokrates (khoảng 470-399 TCN). Ông luôn bắt đầu cuộc tranh luận bằng cách đặt ra cho đối phương những câu hỏi rất đơn giản và minh bạch, để cuối cùng, dựa vào các câu trả lời mà ông đưa ra lập luận và đảo ngược tình thế, giành chiến thắng thuyết phục. Phương pháp tranh luận của Sokrates đã góp phần to lớn trong việc giúp cộng đồng thay đổi nhận thức và tri kiến, xóa bỏ những niềm tin sai lệch và sự mê tín. Để xóa bỏ ảnh hưởng của Sokrates, người ta đành chụp mũ ông vô thần, làm hư hỏng giới trẻ, và rồi bức tử ông bằng hình thức cho uống sâm độc, mà bỏ qua các tranh luận và bào chữa khoa học, biện chứng. Nhưng cái chết đó đã khiến Sokrates trở thành bất tử, đồng thời cho thấy một sự thật phũ phàng rằng dù là cha đẻ của nền tranh luận biện chứng, nhưng ông đã bị phỉ báng, vùi dập không thương tiếc.

Quảng Nam có nhiều thứ nổi tiếng, mà Hội An, Mỹ Sơn, Ngũ phụng tề phi, mì Quảng và tính hay cãi là những “đặc sản” nổi tiếng ngang nhau. Trong cuốn tạp văn Người Quảng đi ăn mì Quảng, Nguyễn Nhật Ánh có viết một bài nói về tính hay cãi này. Đại ý là có một nhóm bạn rủ nhau đi ăn mì Quảng khắp thế gian, kết quả tìm ra được một quán ở gần Đèo Le, ăn xong cả nhóm đồng ý với nhau là ngon. Nhưng khi sắp ra về, có một người nói ngon nhất phải là bà nội tau nấu, thế là cả nhóm xúm nhau khoe và cãi rằng má tau nấu mới ngon, bà ngoại tau nấu mới ngon nhất… Cãi thì thường khó đạt đến tranh luận sạch, nên nếu là người con đất Quảng, đủ công minh, sẽ thấy nơi đây chủ yếu “Cãi lấy được”. Nhưng rất may, thời nào xứ Quảng cũng có được vài người “Cãi đến nơi đến chốn”, “Cãi thấu tình đạt lý”, như Phạm Phú Thứ, Ông Ích Khiêm, Trần Quý Cáp, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh…

Một nguyên tắc khác để có được tranh luận sạch, đó là không tấn công cá nhân, không xuyên tạc văn cảnh, không dùng các hành vi, ngôn từ kiểu quy chụp để gây chia rẽ, miệt thị. Tất nhiên, càng không được động thủ, bởi nếu dùng đến tay chân, vũ khí… là xem như không còn tranh luận nữa.

“Khi bất đồng ý kiến với một người hiểu lý lẽ, tôi để thực tế làm trọng tài cuối cùng. Nếu tôi đúng, người đó sẽ học hỏi được; nếu sai, tôi sẽ học hỏi được; một trong hai chúng tôi sẽ thắng, nhưng cả hai đều thu được lợi ích” – Ayn Rand.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Năm mang chủ đề “The Symphony Of Time”)

Sign up for our Newsletters

Stay up to date with our latest series

Stay in touch with the latest in luxury

PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
CÔNG TY CỔ PHẦN INDOCHINE MEDIA VENTURES VIỆT NAM
GCNĐT số: 411032000105

Địa chỉ liên hệ: Tầng 7, Số 7, Đường D2, Khu phức hợp sông Sài Gòn, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Email: [email protected]
20150827110756-dathongbao-e1459136219441