fbpx

Pharrell Williams trở thành nhà sưu tập kiêm giám tuyển nghệ thuật

Pharrell Williams Jacob & Co.

Pharrell Williams cùng bộ sưu tập vòng cổ mang phong cách phi hành gia, dây chuyền Jacob & Co.

Câu nói “Tiền đẻ ra tiền” quả ứng nghiệm với rapper kiêm nhạc sĩ người Mỹ – Pharrell Williams. Tháng trước, anh bán ra một loạt đồ dùng cá nhân đắt tiền như chiếc đồng hồ Audemars Piguet Royal Oak – cỗ máy theo kiểu khung xương với tính năng chỉ báo tuần trăng từng xuất hiện trên cổ tay rapper trong MV “Frontin” vào năm 2004 – hay bộ nhẫn Lorraine Schwartz bằng vàng hồng 18 carat. Tất nhiên, hai món đồ kể trên mới chỉ là khởi đầu. Trong buổi đấu giá với chủ đề “Con trai của Pha-ra-ông”, ngôi sao người Mỹ còn ra mắt trang đấu giá mới nhất của mình với tên gọi Joopiter, hướng đến các nhà sưu tập thích tìm kiếm những món đồ như mặt thắt lưng chữ “N.E.R.D” nạm đầy kim cương nhưng được phục vụ theo kiểu truyền thống như hai nhà đấu giá Christie’s hay Sotheby’s.

Ban đầu, trang đấu giá của Pharrell chỉ bán một số vật phẩm từ các giám tuyển nghệ thuật danh tiếng (phần lớn là bạn chí cốt của anh, những người có gu thẩm mỹ khác biệt). Tuy nhiên, Joopiter sẽ có thêm nhiều điều thú vị từ chàng rapper danh tiếng. “Số đồ vật mà tôi vận chuyển trong suốt triển lãm nhiều không thể tả. Tuy nhiên, số tôi đang muốn ‘thanh lý’ thậm còn nhiều gấp ba bốn lần so với đợt vừa rồi. Nghe thật điên rồ!” – Pharell chia sẻ.

Từ lúc nào, anh xem mình là một nhà sưu tập?

Thật ra tôi chả bao giờ coi mình là một nhà sưu tập. Tôi chỉ là người giàu động lực và có nhiều cảm hứng thôi. Những thứ tôi cho là đẹp, vượt xa tiêu chuẩn thông thường, thậm chí có thể thiết lập những chuẩn mực mới, sẽ dễ dàng lọt vào mắt xanh của tôi, khiến tôi phải nỗ lực để sở hữu. Dĩ nhiên, trước đó tôi có tích cóp món này món kia theo kiểu “đồng thau lẫn lộn.” Đến một thời điểm, tôi nghiễm nhiên trở thành một nhà sưu tập kiêm giám tuyển nghệ thuật.

Vì sao anh lại chọn thời điểm này để đấu giá các đồ vật cá nhân?

Suốt 30 năm qua, tôi đã tích lũy quá nhiều thứ. Thế rồi kế toán riêng của tôi gọi điện: “Này Pharell, anh có quá nhiều thứ rồi đấy. Liệu anh có dùng hết hay không?”. Thật ra, tôi giữ chúng vì cho rằng giá trị sẽ tăng lên mỗi ngày. Thú thực, tôi không thể đeo hết đồng hồ hay lái hết số xe đang có.

Chắc sẽ có những món đồ khiến anh tiếc nuối khi bán đi?

Có chứ. Đó là cặp nhẫn Asscher bằng kim cương trắng 26 carat và 20 carat. Cảm giác của tôi kiểu như “Mình đang làm cái quái gì thế này?” Nhưng bạn biết đấy, mọi thứ đều có giới hạn.
Anh có kỹ tính khi chọn đá quý cho trang sức của mình hay không?

Lorraine Schwartz chỉ cho tôi nhiều thứ về đá quý, nhất là yếu tố chất lượng, độ sáng và màu sắc của chúng. Đá phải được cắt sao cho chuẩn để không quá nặng hay quá to bản. Ngoài ra, tôi còn học được nhiều thứ từ Jacob Arabo, người được biết đến với biệt danh “Vua kim hoàn Jacob”. Ông dạy cho tôi vô số thứ. Tất cả kiến thức đều phản ánh qua các món đồ tôi có. À, phải nói thêm là tất cả các món này đều do tôi tự tay thiết kế ra đấy.

Tại sao phải mở ra một trang đấu giá mới trong khi anh có thể sử dụng các nền tảng hiện có?

Tôi suy nghĩ khá nhiều về việc nên bán món gì, bán ở đâu. Nhiều thứ xuất hiện trong đầu, từ BBC (Câu lạc bộ triệu phú) cho tới những món đồ nhỏ nhặt như hàng mẫu của Bathing Ape hay đồ trang sức do tôi thiết kế. Cả núi đồ vật đắt giá ấy chứ. Có khá nhiều nhà đấu giá mà tôi muốn song hành nhưng cái tôi muốn là dạng “Cửa hàng một điểm đến”. Chúng tôi dành sự tôn trọng cho những nhà đấu giá với lịch sử hàng trăm năm tuổi, tuy nhiên, họ có những thuộc tính văn hóa vô cùng khác biệt.

Vậy Joopiter sẽ khác biệt thế nào so với các nền tảng đấu giá truyền thống lâu nay?

Chúng tôi vẫn cần có những dịch vụ cao cấp bên cạnh việc giới thiệu những vật phẩm có giá trị để lan tỏa sức hút và tầm ảnh hưởng ra thị trường. Joopiter không chỉ chú trọng đến chuyện hình thức, mà còn đầu tư vào khâu trình bày. Tôi chợt nghĩ: “Làm sao để có một trang đấu giá với cảm giác khác biệt và hoàn toàn tươi mới?” Ở đó có mọi thứ mà bạn hình dung từ một nhà đấu giá thông thường nhưng được nâng tầm và lan tỏa một cách rộng rãi hơn.

Anh vừa nói đến khâu trình bày, cụ thể là thế nào?

Chúng tôi sẽ có nhiều nhân vật chủ trì các buổi đấu giá với phần trình bày khoảng 20 đến 30 phút cho các vật phẩm, qua đó kể những câu chuyện gắn liền với món đồ. Theo quan điểm của tôi, nếu bạn vào cửa hàng đồ cũ để mua quần Jean, thường thì nhân viên sẽ giới thiệu chiếc quần từ năm 1949 với mức giá khoảng 600 USD. Tuy nhiên, nếu bạn trưng ra bức hình James Dean đang mặc chiếc quần kể trên, mức giá sẽ là 2.500 USD. Vì sao thế? Bạn biết đấy, mấu chốt của vấn đề luôn nằm ở câu chuyện mà bạn muốn kể.

Anh có ý định mở rộng nền tảng của mình cho nhiều nhà sưu tập khác thay vì chỉ giới hạn ở một số chuyên gia giám tuyển như hiện nay không?

Trong giai đoạn 1 của dự án, điều bạn vừa nói là chưa khả thi cho lắm. Giai đoạn 2 tôi xin phép chưa tiết lộ. Tuy nhiên, bạn có thể vào trang đấu giá của tôi và mua đồ theo ý thích. Chiếc vòng cổ có thể hơi đắt nhưng bạn có thể đặt hàng chiếc áo thun hay áo Hoodie có hình món đồ mà bạn mong muốn. Nhìn chung, về tự do mua sắm, chúng tôi có gần như tất cả mọi thứ cho hầu hết các đối tượng khách hàng.

Sign up for our Newsletters

Stay up to date with our latest series

Stay in touch with the latest in luxury

PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
CÔNG TY CỔ PHẦN INDOCHINE MEDIA VENTURES VIỆT NAM
GCNĐT số: 411032000105

Địa chỉ liên hệ: Tầng 7, Số 7, Đường D2, Khu phức hợp sông Sài Gòn, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Email: [email protected]
20150827110756-dathongbao-e1459136219441